I. ĐẦY ĐỦ HỔ THẸN
Người tu chúng ta phải có sự quyết tâm tu tiến, muốn vậy đầu tiên phải có đủ lòng hổ thẹn, điều này quan trọng, vì biết hổ thẹn mới có tâm cầu tiến. Nhiều khi chúng ta chỉ tu lừng chừng, hoặc buông lung mà không hề có lòng hổ thẹn nên dần dà đi xuống hoặc trở lui về thế tục. Thế nên, người xuất gia tu hành thường phải có lòng hổ thẹn để cảnh tỉnh bản thân mình tiến lên.
Trong lời văn Thích Nạn của Thủ tọa Hy Nhan, có đoạn nhắc: “Bậc xuất gia làm tăng đâu phải là việc nhỏ, chẳng phải để cầu sự an ổn, thảnh thơi, chẳng phải để cầu sự no ấm, chẳng phải cầu danh lợi. Mà vì sanh tử, vì chúng sanh, vì dứt phiền não, ra khỏi bể tam giới, nối huệ mạng Phật. Ngày nay cách Phật đã xa, chánh pháp suy đồi, ngươi dám làm càn như vậy ư?”.
Ngài nhắc rõ người xuất gia làm tăng, không phải là việc nhỏ, đó là vì mục đích giải thoát sanh tử, độ chúng sanh dứt phiền não ra khỏi ba cõi, tiếp nối hệ mạng Phật. Nếu vậy thì làm tăng đâu phải là chuyện tầm thường, muốn giải thoát sanh tử mà tu lừng chừng làm sao được? Nguyện độ chúng sanh mà tự mình chưa độ được mình thì làm sao để độ chúng sanh? Muốn ra khỏi ba cõi mà tu lơ mơ làm sao thành tựu? Không phải chúng ta vào chùa để cầu sự an ổn thảnh thơi qua ngày, hoặc cầu no ấm, danh lợi v.v… những thứ đó đâu xứng đáng để chúng ta hy sinh cuộc đời mình.
Đây, Ngài nhấn mạnh hiện tại cách Phật đã xa, chánh pháp cũng suy tàn, ngươi dám theo đó làm càn hay sao? Rồi dẫn kinh Bảo Lương nói: “Tỳ-kheo mà chẳng tu pháp Tỳ-kheo, thì cả đại thiên không có chỗ phun nước miếng”. Là hết chỗ chê trách, không còn chỗ nào để chê trách.
Tỳ-kheo mà không tu pháp Tỳ-kheo, thì làm gì? Ngài cũng nhắc thêm: “Mang tấm thân sáu thước mà không trí tuệ, Phật gọi là si tăng. Có ba tấc lưỡi mà không thuyết pháp được, Phật gọi là á dương tăng. Còn tợ tăng chẳng phải tăng, tợ tục không phải tục, Phật gọi là điểu thử tăng, cũng gọi là cư sĩ trọc”.
Đó là ba hạng tăng không xứng đáng danh xưng. Mang thân sáu thước mà không trí tuệ gọi là si tăng, là ông tăng ngu si, tăng không trí tuệ. Có ba tấc lưỡi mà không thuyết pháp là á dương tăng, ông tăng dê câm, vậy có xứng đáng không? Tợ tăng không phải tăng, tợ tục không phải tục, là xuất gia rồi, vào chùa nhưng tăng không ra tăng, tục không ra tục, lúc giống tăng lúc giống tục, thì thật rất đáng hổ thẹn!
Chúng ta xét lại mình như thế nào, có nằm trong ba hạng đó không? Có xứng đáng danh xưng Tỳ-kheo là đệ tử Phật chưa? Đó là chỗ mà mỗi người phải luôn quán chiếu để hổ thẹn, nếu thấy mình còn có chỗ khiếm khuyết, thì phải có sự hổ thẹn sửa đổi để tiến lên.
Bởi vì việc xuất gia được làm tăng đâu phải chuyện nhỏ, đâu phải vào chùa để cầu an ổn qua ngày. Xuất gia là việc mà người xưa gọi là “Phi tướng tướng chi sở năng vi”. Nghĩa là xuất gia không là việc của người làm tướng có thể làm được. Dù là tướng cũng không dễ dàng làm được việc người xuất gia. Đây là việc giải thoát sanh tử, ra khỏi ba cõi, gọi là việc làm siêu xuất thế gian, rất cao thượng mà chúng ta lại xem thường, làm hạnh tầm thường đưa đến giảm giá trị của người xuất gia hay sao?
Mỗi vị phải tự kiểm xem, lâu nay chúng ta xuất gia ở chùa bao nhiêu năm rồi? Thời gian ba năm, năm năm, hoặc mười năm mà đã tu tập thành tựu được bao nhiêu?
Đã ở chùa nhiều năm, thì tu hành cũng phải theo số năm tiến lên, sự giải thoát cũng như vậy mới xứng đáng, còn không được thì phải có đầy đủ lòng hổ thẹn. Đâu phải mặc chiếc áo người tu, cạo tóc, ở chùa qua ngày rồi cho là đủ. Nếu đã vào chùa mà tập khí thế gian vẫn còn sống trở lại, không kiểm soát được, chỉ biết theo nó thì cuộc đời xuất gia mất hết ý nghĩa. Nếu như vậy chúng ta có đáng nhận bát cơm, mặc chiếc áo, nằm chiếc đơn, đạp trên gạch, núp dưới mái nhà của đàn na thí chủ hay không? Việc này đâu phải chuyện thường. Đó là chỗ tự xét lại của mỗi người, không thể để việc tu học lừng chừng, được vậy thì sự tu hành mới có ý nghĩa.
Ngài Hàn Sơn có làm bài thi nói về người xuất gia:
Lại thấy kẻ xuất gia
Có sức và không sức
Bậc thượng thượng tiết cao
Quỷ thần trọng đạo đức.
Vua chúa chia chỗ ngồi
Chư hầu lễ nghênh đón
Đáng làm ruộng phước đời
Người đời cần tiếc giữ.
Người xuất gia phải là bậc có chí tiết cao thượng nên quỷ thần trọng đạo đức, vì “Đức trọng quỷ thần kinh”. Danh từ Tỳ-kheo còn có nghĩa là Bố-ma, nghĩa là ma phải sợ và quỷ thần kính trọng, cả đến vua chúa cũng chia chỗ ngồi, chư hầu đều lễ nghinh đón cung kính. Như vậy mới đáng làm ruộng phước điền cho đời và người đời luôn quý kính. Xuất gia vậy mới xứng đáng.
Kẻ ngu thấp hạ hạ
Dối hiện nhiều tìm cầu
Quá đục liền biết được
Ngu si thích sắc tài.
Khoác mặc áo phước điền
Ruộng gieo tìm áo cơm
Tạo nợ cho trâu cày
Vì sự chẳng trung trực.
“Người ngu kẻ hạ hạ, dối hiện nhiều tìm cầu”. Ngài nói người xuất gia rồi, khởi tâm tham cầu đủ thứ, không biết đủ, dối hiện tướng xuất gia nhưng bên trong dính trở lại thế gian. Ngoài chạy theo sắc theo tài. Mặc áo ruộng phước này chỉ để tìm áo cơm, không lo tu hành. Về sau khó tránh khỏi làm trâu kéo cày đền nợ cho thí chủ, thật là đáng sợ.
Sáng sáng hành tệ ác
Sống lưng đau nhức luôn
Chẳng khéo biết nghĩ lường
Địa ngục vô cùng khổ.
Một mai mắc bệnh trói
Ba năm nằm liệt giường.
Cũng có chân Phật tánh
Lại thành giặc vô minh
Nam mô Phật-đà-da
Xa xôi cầu Di-lặc.
Mỗi ngày thức dậy chỉ theo tập khí làm những điều tệ ác. Vì lười biếng nên sống lưng đau nhức luôn, lại không biết xét nghĩ, không biết về sau quả địa ngục khổ đến vô cùng! Một mai mắc bệnh phải nằm liệt giường lúc đó mới thấy khổ, thì khi ấy lấy gì chống chọi lại?
Ngài nhắc mỗi người đều có Phật tánh chân thật sáng suốt, tại sao lại để thành giặc vô minh che mờ hết, đáng tiếc. Nếu người tu hành như vậy thì kết quả thật còn quá xa xôi, quả là đáng buồn, đáng tiếc!
Ngài nhắc nhở những lời này khiến người xuất gia chúng ta tự kiểm lại, soi xét lại mình để có lòng hổ thẹn. Đúng là bậc xuất gia thì sẽ làm Thiên nhân sư là thầy trời người. Quỷ thần cung kính, vua chúa đón mời, không phải chuyện thấp hèn. Trái lại, người xuất gia nhưng không làm đúng theo hạnh của người xuất gia, hình tướng giống người xuất gia mà tâm quá đục, là đang tạo nợ, để rồi đi xuống, thật đáng sợ!
Khi kiểm lại, chúng ta thấy được hạnh xuất gia của mình rồi, thì phải quyết tu không thối chuyển, không để đưa đến sự chê trách như vậy, không để cuộc sống xuất gia trở thành sống mà như chết, sẽ bị Phật quở trách.
Xưa có thầy Sa-di tên Sánu, xuất gia một thời gian thì việc tu hành lơ lỏng thối thất, định hoàn tục trở lại thế gian. Có một quỷ Dạ-xoa, kiếp trước cũng từng là mẹ của thầy Sa-di, khi thấy được tâm ý vị này bị thối thất chuẩn bị hoàn tục, nên đến báo cho bà mẹ hiện tại biết để bà khích lệ con.
Khi thầy Sa-di về nhà gặp mẹ, thấy mẹ hiện dáng sầu khổ, thầy nói bài kệ với mẹ:
“Thưa mẹ, người ta khóc
Là khóc vì người đã chết,
Hay có khóc người sống,
khi sống không được thấy?
Thưa mẹ, con đang sống
Và mẹ đang thấy con,
Vậy vì sao thưa mẹ,
Mẹ lại khóc cho con?”
Nghĩa là người ta khóc vì người chết hay người sống nhưng không được thấy mặt. Còn con đang hiện tại có mặt đang về thăm mẹ, tại sao mẹ lại khóc cho con, vậy khóc vì lý do gì.
Bà mẹ đáp lại bài kệ:
“Người ta khóc cho con,
Là khóc cho con chết,
Hay khóc cho con sống,
Nhưng không được thấy mặt.
Ai đã bỏ dục vọng
Lại trở lui đời này,
Này con người ta khóc
Là khóc cho người ấy”
Bà mẹ nhắc khéo con là, khi người ta khóc là khóc vì người đã chết hoặc người đang sống mà không được thấy mặt; nhưng nếu người đã bỏ dục vọng, bỏ tham muốn thế gian, tu hạnh xuất gia giải thoát mà còn trở lui lại đời này, tức là đã vượt qua nhưng rồi rớt lại, hoàn tục trở lại. Đây là trường hợp người ta khóc cho người đó.
“Vì người đó được xem,
Còn sống cũng như chết.
Này con, được kéo ra
Khỏi than hầm, lửa rực
Lại còn muốn rớt vào
Đống than hồng ấy chăng?”
Bà mẹ nói rất thắm thiết, nói là bà khóc cho người đó, người đã vượt ra khỏi vòng dục vọng nhưng còn trở lùi lại, nên người đó tuy được xem còn sống mà cũng như đã chết rồi!
Vậy chúng ta sống đời xuất gia làm sao cho khỏi phải mang tiếng sống cũng như chết, sống mất hết ý nghĩa. Nên nhớ, người xuất gia ví như người được kéo ra khỏi hầm lửa ngũ dục đang cháy đỏ rực, rồi lại còn muốn rơi trở vào đống lửa than hồng đó sao? Vậy là người trí hay ngu ?
Đó là điều cảnh tỉnh cho tất cả người xuất gia tu hành chúng ta không thể là kẻ đã ra khỏi hầm lửa lại rơi vào trở lại, chỗ khác gọi là nhổ nước miếng xuống đất rồi muốn liếm trở lại.
Như vậy, điều kiện thứ nhất của người quyết tâm tiến đạo là phải đầy đủ lòng hổ thẹn, phải luôn kiểm lại để tự nhắc nhở cảnh tỉnh sách tấn mình tiến lên. Bởi vì, có thể lâu ngày chí xuất trần dần trở thành lạnh nhạt, những tập khí cũ sống dậy, lâu lâu cũng muốn liếm trở lại nước miếng mình đã nhổ ra, thấy hổ thẹn không? Nếu người còn biết hổ thẹn là tốt, không hổ thẹn mới là nguy; còn hổ thẹn là còn tiến lên, còn không biết hổ thẹn, là rất nguy hiểm. Đó là điểm mỗi vị cần luôn cảnh tỉnh chính mình.
II. THẲNG CẦN LIỄU NGỘ, TRỪ NHỮNG TẠP HẠNH
Thứ hai là phải quyết tâm thẳng tiến cầu liễu ngộ, phải quyết tu sáng tỏ việc lớn của mình, liễu ngộ sanh tử, chuyên ròng một hạnh giải thoát để tiến lên. Còn những hạnh tạp nhạp thế gian, phải trừ nó không để vướng bận trở lại. Bởi lúc chúng ta còn mê thì khác, nay đã tỉnh, đã phát tâm đi xuất gia để tu đạo giác ngộ giải thoát của Phật, thì phải ngược với lúc còn mê. Khi đã tỉnh, biết phát tâm tu như vậy, phải quyết tiến cầu cho sáng tỏ Phật tâm, liễu ngộ việc lớn sanh tử, chớ không thể gọi là cầu an qua ngày. Đâu phải vào chùa để tạm an qua ngày tháng, tạo duyên cho phóng túng, lười biếng dễ đưa đến sa đọa.
Thiền sư Pháp Loa là vị Tổ thứ hai của dòng Thiền Trúc Lâm, có lần Ngài nhắc dạy: “Này các người, bên trong đã bỏ cha mẹ, bên ngoài thì không thông Phật pháp, tự xưng là tu hành, vậy tu hành cái đạo gì?”.
Nghĩa là có vị khi đi tu cha mẹ không cho liền trốn bỏ cha mẹ để thực hiện cho được chí xuất gia cao thượng. Nhưng vào chùa ít lâu thì những chuyện nhỏ nhặt lại vượt qua không nổi. Đối với cha mẹ là sợi dây luyến ái rất mạnh của thế gian, trói cột rất chặt còn dám dứt khoát nhưng vào đây thì tại sao những chuyện nhỏ lại vượt không qua?
Bên trong đã như vậy, còn bên ngoài thì Phật pháp không thông, không sáng được đạo lý, nên Ngài hỏi vậy xưng tu hành là tu đạo gì?
Ngài lại nhắc rất thống thiết: “Các chú đã vào trong chùa làm ông đạo, làm học trò, lại chỉ cầu danh tự mà chẳng chịu tham cứu đến chỗ cái gì là chỗ hạ thủ của Phật Tổ? Cái gì là chỗ dụng tâm của ngoại đạo, Tiểu thừa, luống để cho ngày qua tháng lại, lăng xăng tìm cầu bên ngoài, một phen cái chết đến rồi thì phải làm sao, đâu là nơi an thân lập mạng?”.
Mỗi người hãy tự xét, đã vào chùa xuất gia làm ông thầy lại chỉ cầu danh tự, không chịu tham cứu lẽ thật để sáng tỏ việc lớn, liễu ngộ sanh tử thì sẽ ra sao? Nếu cứ lăng xăng tìm cầu bên ngoài để cho ngày tháng trôi qua, thì một phen cái chết đến phải làm sao, lấy chỗ nào nương tựa, lúc đó sẽ hoảng hốt lo sợ. Thật khó nói hết!
Mỗi vị đã nghe được những lời của các Ngài nhắc nhở nên soi lại rồi thức tỉnh. Nếu vào đây tu hành mà cứ mãi chạy theo cảnh đời, tâm sanh lăng xăng đuổi theo cảnh bên ngoài, bị vật che mờ, trở lại dính kẹt lợi danh, tâm trở lại trần tục lúc nào không hay. Thế là xuất nhà này lại vào nhà kia, chỉ lẩn quẩn trong đó. Cho nên, người xuất gia cần phải có chí lớn, tâm nguyện vượt lên thẳng cầu đến chỗ liễu ngộ sanh tử, để vượt thoát được vòng luân hồi này, mới xứng hạnh xuất gia giải thoát của mình.
Muốn vậy, phải có sức mạnh, không thể yếu đuối, khéo trừ những hạnh tạp làm mờ chân tánh, làm lụt chí xuất trần của chúng ta. Vì thế, lâu lâu phải kiểm lại mình, nếu không khéo tu thì những tập khí theo chiều thế tục sống dậy.
Đã là người xuất gia phải chuyên tâm tu hành, buông hết thị phi, chớ đuổi theo dục trần, nói năng hỗn tạp. Ngài Quy Sơn dạy: “Ăn rồi dụm ba hợp bảy bàn nói chuyện tạp làm cho loạn tâm”; hoặc đã xuất gia không lo hạnh xuất gia, lo đọc sách truyện, tiểu thuyết, đó là hạnh tạp nhạp làm mờ chí xuất gia, phải khéo trừ hạnh đó để quyết tiến tu, thành tựu chí xuất trần của mình.
Hòa Thượng Ngũ Tổ-Pháp Diễn kể lại: “Thiền sư Tú ở Viên Thông tức Viên Thông Pháp Tú Thiền sư, nhân thấy tuyết rơi mới bảo: “Tuyết rơi có ba hạng tăng: người bậc thượng thì ở tăng đường tọa thiền, người bậc trung thì mài mực chấm bút làm thơ về tuyết, người bậc hạ thì vây quanh bên lò nói chuyện ăn”. Tôi vào mùa đông năm Đinh Mùi ở Hổ Khâu, đích thân thấy ba hạng tăng này, bất giác bật cười, mới biết lời của bậc tiền bối không hư dối”.
Mỗi người tự kiểm lại xem, mình thuộc hạng người nào trong đó? Nếu người có tâm quyết tiến tu, nhân tuyết rơi không làm công tác bên ngoài, ngồi không chẳng làm gì nên lợi dụng thời gian đó tọa thiền tu để bòn mót thêm công đức, đó là người bậc thượng có chí tu hành. Còn người bậc trung thì nhân tuyết rơi liền chấm bút làm thơ đưa đến loạn tâm, trở về hạnh tạp nhạp sanh tử, chớ đâu được điều bổ ích cho việc giải thoát sanh tử. Bậc hạ còn đáng trách hơn nữa, nhân tuyết rơi không biết làm gì ngồi chung với nhau nói chuyện ăn uống, nói xong cãi vả sanh phiền não ồn ào.
Đúng ra, người quyết chí tiến tu mà chưa tỏ ngộ, thì phải luôn quý tiếc thời gian của mình, đâu để thời gian trống rỗng vô ích. Những lúc rảnh rang là vô cùng quý, lợi dụng để tu thêm, để bòn thêm công đức, được vậy mới xứng đáng. Chớ không phải do rảnh rỗi rồi làm thơ, nói chuyện tạp cho vui, đó là hạnh tạp chẳng ích lợi, không khéo tâm bị quỷ thần xem thấy, càng chê trách thêm nữa.
Như câu chuyện về Thiền sư Vĩnh An, người nối pháp Quốc Sư Đức Thiều. Sư thường ngồi thiền, tâm định rất mạnh. Một hôm, trong định thấy hai ông tăng đang đứng tựa lan can điện Phật nói chuyện. Lúc đó có vị thần hộ vệ lắng nghe cung kính, lát sau chợt có mấy ác quỷ đến mắng nhiếc, phủi quét dấu chân tỏ vẻ khinh thường chê trách. Đến khi Thiền sư Vĩnh An xuất định, Sư tìm đến hai vị tăng hỏi, mới biết nội dung hai người bàn luận là: Đầu tiên nói chuyện Phật pháp, khi nói hết chuyện Phật pháp rồi, mới bàn chuyện thế tục. Do đó ban đầu thiên thần hộ vệ lắng nghe cung kính, nhưng sau đó vì bàn qua chuyện thế tục tạp nhạp nên quỷ tới mắng phủi quét dấu chân, khạc nhổ, chê trách.
Đó là tấm gương nhắc cho tất cả người tu chúng ta, đã là người xuất gia không lo tu hành, lo bàn những chuyện thị phi tốt xấu ở thế gian để loạn tâm, bị quỷ thần xem thấy chê trách khinh khi, rất xấu hổ. Trong chúng hãy kiểm lại mình lâu lâu có chuyện đó không? Ở trong tăng đường ngồi bàn chuyện, nhất là mấy vị trước có tập khí thế tục hay đem việc này việc kia ra bàn, làm những người mới tu bị động tâm. Hoặc có vị lâu lâu đi thành phố về, đem chuyện đời ra bàn làm loạn tâm những người trong đây, rồi người ở đây lại sanh tâm đi thành phố nữa. Đó chính là mình không ra gì lại làm ảnh hưởng đến huynh đệ đang thanh tịnh, thật không xứng đáng, phải tự hổ thẹn.
Quí vị đừng nghĩ là mình nói chuyện không ai biết, vì cạnh bên mình còn có quỷ thần, những vị thần hộ giới, hộ pháp. Do đó, nên khi chúng ta khởi những tâm niệm xấu dở, phải biết hổ thẹn không khéo quỷ thần xem thấy. Cũng đừng nghĩ là không ai biết, rồi cứ làm cứ nghĩ, khiến huân sâu dần thành tổn phước trí, sanh ra thoái đọa, thật là nguy hiểm! Biết rồi, mỗi người phải thường xuyên nhắc nhở kiểm tra mình để cảnh tỉnh.
Ngài Huyền Trang có một lần thấy mấy thầy Sa-di hăng say nói chuyện đùa giỡn, mới bảo: “Trong kinh chẳng nói ư? Là người xuất gia chính vì pháp vô vi, há lại luôn luôn làm trẻ con để đùa giỡn, đáng gọi là uổng mất trăm năm”. Nên những ai xuất gia rồi còn hay nói chuyện tạp, phải lấy lời răn đó soi lại mình không khéo phải mất một thời gian dài rất đáng tiếc.
Hòa Thượng Thiên Như nói rằng: “Thời gần đây có hạng xuất gia, tuy nói lìa tục mà thói tục chẳng trừ; trọn nói xuất trần mà duyên trần chẳng cắt đứt. Kinh giáo vốn không rõ biết, tham thiền lại chẳng nhận hiểu. Tâm vượn chạy mãi, ý ngựa ruổi dong thành bầy, thành đội ồn ào cả ngày. Chẳng những luống hao của tín thí, cũng chôn vùi tánh linh của chính mình, đến khi nhắm mắt đường trước chẳng biết đi đâu. Thật là uổng vào nơi cửa không, sống đã vô ích chết lại lạc loài”.
Thấy thật đáng buồn! Người xuất gia mà thói tục chẳng trừ, nói xuất trần mà duyên trần không cắt đứt, vì mãi duyên theo đó hoài. Kinh giáo không rõ biết nghĩa lý, tham thiền không nhận hiểu, không sáng được tâm, cứ để tâm vượn chạy mãi, ý ngựa ruổi rong thành bầy, thành đội ồn ào cả ngày, nên uổng hao của thí chủ. Thử hỏi xuất gia như vậy xứng đáng không? Cuối cùng đến khi nhắm mắt thì đường trước mờ mờ không biết đi đâu, uổng vào nơi cửa không, sống đã vô ích chết lang thang không biết lạc đường nào, không chỗ bám nương. Người xuất gia như vậy thì ma đâu sợ, trái lại còn sợ ma, bị ma dẫn nên đáng buồn thương.
Mỗi vị phải có ý chí tiến lên, quyết cầu liễu ngộ việc lớn sanh tử của mình. Nếu quyết chí chuyên tâm miên mật dù đời nay chưa xong cũng vẫn không mất, nó tạo thành tích lũy nghiệp rất mạnh. Lỡ như tuổi thọ chúng ta đến nơi mà công phu chưa viên mãn, sức mạnh đó kéo dài qua đời sau, khi sanh ra thức tỉnh sớm, một nghe ngàn ngộ, không hề uổng phí. Nếu tu hành lơ mơ không huân tập chủng tử sâu đậm trong tàng thức, lại bị duyên tạp nhạp che mờ bớt. Khi chết qua đời sau bị cái mê cách ấm, nhiều duyên tạp nhạp che, dẫn đi xa thì rất đáng sợ!
Để nhắc nhở người xuất gia cần phải ý thức mà quyết tâm tiến tu, Ngài Hoàng Bá một hôm thượng đường, đại chúng nhóm họp xong, Sư bảo: “Các người muốn cầu gì đây?” rồi Sư cầm gậy đuổi chúng giải tán hết. Đại chúng không chịu giải tán, Sư ngồi lại bảo: “Các người toàn là bọn ăn hèm, thế mà xưng hành khước để cho người chê cười. Tôi thà cam thấy tám trăm, một nghìn người giải tán, chớ không thể chịu sự ồn náo này. Tôi khi đi hành khước, hoặc là gặp dưới rễ cỏ có cái ấy, liền đem hết tâm tư xem xét, nếu biết ngứa ngáy thì khả dĩ lấy đãy đựng gạo cúng dường. Trong lúc đó nếu dễ dàng như các người hiện giờ, làm gì có việc ngày nay, các người xưng là hành khước, cần phải có chút ít tinh thần như thế mới có thể biết đạo”.
Ngài quở tăng chúng lúc ấy toàn là bọn ăn bã rượu, tức nhai cặn bã bị người chê cười. Lại nhấn mạnh: Người xuất gia quyết cầu tiến đến liễu ngộ, không thể lưng chừng, thà thấy tám trăm, một nghìn người giải tán, chứ không chấp nhận ở cho đông ồn náo vậy.
Ngài nhắc khi xưa đi hành khước nếu gặp được ở rễ cây có cái đó thì hết tâm tận lực xem xét tham cứu, để sáng tỏ chớ không thể bỏ qua. Phải hết lòng tham học tận tâm như vậy mới có việc lớn ngày nay chớ đâu dễ dàng. Mỗi vị nơi đây nên lấy đó để mà cảnh tỉnh, sách tấn chính mình.
Trong Quy Sơn Cảnh Sách, Tổ dạy: “Nghiên cùng pháp lý, dĩ ngộ vi tắc”. Nghĩa là xét tột pháp lý, lấy ngộ làm chừng mực. Phải tu làm sao lấy ngộ làm mức đến của mình, làm sao tỏ ngộ mới xứng đáng là người xuất gia, chớ không phải hiểu sơ sơ chút giáo lý rồi tự mãn.
III. DỨT KHOÁT TIẾN LÊN
Điểm cần nhấn mạnh là phải dứt khoát tiến lên, chứ không lưng chừng, do dự, lần lựa, lui sụt thì không được.
Thiền sư Tử Tâm ở Hoàng Long bảo: “Thân này khó được, Phật pháp khó nghe”. Hoặc “Thân này chẳng thẳng đời này độ, đợi đến đời nào mới độ thân”. Tức là được thân này không phải dễ dàng, nên nói thân người khó được Phật pháp khó nghe. Nay đã được thân này rồi thì ngay đây cần độ liền, đừng đợi đời nào nữa, lỡ mất thân người khó gặp lại.
Lại nói: “Các người muốn tham thiền ư! Hãy buông xuống đi, buông bốn đại năm uẩn, buông hết tất cả bao nhiêu nghiệp thức, từ vô thủy kiếp đến nay hãy xét tột gốc gác của chính mình xem, đó là đạo lý gì?”.
Đây Ngài nhắc, nếu muốn tham thiền, phải buông xuống bốn đại, năm uẩn, buông tất cả những nghiệp thức từ vô thủy kiếp, phải có tâm mạnh mẽ như vậy. Bởi vì đời nay được duyên lành, mang thân này được xuất gia trong pháp hội tăng chúng đông vầy, cùng nương nhau tiến tu thì duyên này không phải dễ gặp. Đời sau sanh ra lỡ quên sanh nhằm vào xóm chài lưới, từ nhỏ đã theo nghiệp chài, tạo bao nhiêu tội sát sanh, càng che mờ chân tánh. Hoặc sanh vào xóm rượu chè, rồi cuốn theo rượu chè, lúc đó chân tánh bị che mờ tạo nghiệp mê huân tập vào tâm thức thêm nữa.
Cho nên, đời này có duyên lành hy hữu thế này, phải tận dụng làm cho đến nơi không thể hẹn hò gì nữa. Ngay thân này độ liền, không đợi đời nào nữa. Độ là độ cái ngã hư dối này, khiến buông bốn đại, năm uẩn không chấp, không điên đảo, không bao che, trì trệ khiến cho nó sống dậy những tập khí hư hèn, tệ xấu. Nhiều khi không có sức tỉnh giác nên bao che việc sai quấy của mình, làm sống dậy những tập khí hư hèn, nên phải độ nó, buông nó.
Thiền sư Tử Tâm dạy sẵn sàng buông hết bốn đại, năm uẩn cùng cả những tập khí, những nghiệp thức mênh mông xa xưa từ vô lượng kiếp, buông tột tới đáy. Nhờ vậy, ngay đó liền sống dậy cái không thể nghĩ bàn, nhổ được gốc vô minh, xứng đáng hạnh người xuất gia giải thoát.
Thiền sư Thoại Lộc ở Bổn Tiên dạy kỹ hơn: “Các ông nếu muốn tham học thì phải chân thật tham học. Lúc đi, đi tham; lúc đứng, đứng tham; lúc ngồi, ngồi tham; lúc nằm, nằm tham; lúc nói, nói tham; lúc nín, nín tham; lúc làm tất cả công việc cũng tham. Đã lúc nào cũng tham được như trên thì thử nói xem: ai tham? Tham cái gì? Đến đây cần phải có chỗ minh bạch. Nếu chẳng như thế thì bị gọi là bọn hấp tấp, vội vàng, ắt không được yếu chỉ tham cứu hoàn tất vậy”.
Chúng ta tham thiền được như vậy, bảo đảm công phu tỏ ngộ đâu có khó; đi, đứng, ngồi, nằm cũng đều tham thiền, cho đến lúc nói nín cũng tham v.v… không có chỗ nào xen hở. Nếu tu hành công phu miên mật như vậy thì bảo đảm ít phiền não, vì đâu có chỗ hở để phiền não xen vào. Nếu như để tạp hạnh xen vào nhiều quá, lâu lâu ngồi nói chuyện phào, nghĩ lung tung sanh tạp niệm, rồi sanh phiền não có khi phải thoái tâm.
Vì thế, chúng ta phải luôn khéo thực hành, công phu chuyên tinh như vậy, thì bảo đảm con đường tiến lên của mình ngay trước mắt, đâu phải đợi lên bồ đoàn mới thiền. Như vậy, đây là những điểm cảnh tỉnh sách tấn chúng ta, mỗi vị nghe rồi cần soi xét lại chính mình, để có sức mạnh vươn lên, sự tu hành kỹ hơn, có tâm quyết cầu giác ngộ và nhớ là phải có tâm dứt khoát tiến lên.
Chính ngài Đức Sơn cũng nhắc: “Nhơn giả, các ông chớ dụng thân tâm, vì không thể được. Chỉ cần trong tất cả thời chớ kẹt nơi thinh sắc, những hành lý từ trước một lúc ném hết đi, chóng thoát khỏi xiềng xích, hằng lìa cái, triền (ngũ cái, thập triền là những thứ trói buộc). Một niệm không sinh, mé trước mé sau dứt, không nghĩ không nhớ, không một pháp hợp tình”.
Tu phải được như vậy. Không có một pháp để hợp tình, dứt khoát buông những hành lý từ trước, một lúc ném hết. Hành lý là những hành động tạo tác của mình từ trước, buông sạch ném hết, không để một pháp hợp tình, như thế thì còn chỗ nào để cho tâm sanh, còn chỗ nào buông lung được. Sở dĩ tâm sinh là nó có nhiều chỗ hở, còn tâm không sinh không một pháp hợp tình, ngay đó là giải thoát Niết-bàn. Chúng ta hiện giờ thì dính cái này, cái kia, thấy gì tốt thì thích ngay, nên đủ thứ hợp tình. Khi thấy xấu cũng hợp tình. Tức là tốt thì thích, xấu thì không ưa, là hợp tình yêu ghét, nên tâm bị dính mắc, thì làm sao giải thoát được.
Nếu gặp việc gì cũng đều cho qua mới không hợp tình, có yêu có ghét có hợp tình là có dính hết. Phải như lá sen, lá môn nước đổ trôi hết là không hợp tình, còn như đổ đâu dính đó là hợp tình, thì chỗ nào giải thoát được?
Xét lại, tất cả người tu chúng ta xuất gia là cầu giải thoát, chớ đâu phải cầu dính mắc hợp tình. Khi kiểm rồi mới thấy hổ thẹn, thật mâu thuẫn với hạnh xuất gia của mình, nên tất cả phải quán sát mới có sức tỉnh để tiến lên, nếu không thì tự mâu thuẫn với hạnh, với đường đi của chính mình.
Thời Phật, có một vị Tỳ-kheo tên EKA-VI HÁRIZA, làm bài kệ nói lên chỗ quyết tâm tiến tu của mình:
“Ta cột áo giáp lại,
Sẽ vào trong rừng sâu.
Ta không ra khỏi rừng,
Nếu chưa đạt lậu tận.
Trong khi gió nhẹ thổi,
Mát lạnh, thơm mùi hương,
Ta ngồi trên chỏm núi,
Ta sẽ phá vô minh”
Ngài cột áo giáp lại vào rừng sâu, buông lại đằng sau những việc thế gian, nếu tu chưa đạt lậu tận, chưa chứng quả A-la-hán, chưa giải thoát sanh tử thì dứt khoát không ra khỏi rừng.
Tu hành phải có ý chí dứt khoát mạnh mẽ, như vậy thì bảo đảm sẽ tiến thôi. Còn như chúng ta vào chùa tu ít bữa nhớ thành phố, nhớ nhà thì đâu có dứt khoát. Ở đây, vị Tỳ-kheo này vào rừng tu rồi, dứt khoát buông hết, nếu không đạt lậu tận thì không ra khỏi chỗ này. Tu như vậy thì đâu ai lôi kéo được.
IV. SO SÁNH ĐỂ TIẾN LÊN
Hiện tại, đại chúng đều được nghe nhắc lại những gương hạnh tinh tấn của người xưa, chúng ta cũng phải biết nhận định những lời nhắc nhở trên, để rồi gắng tiến tu. Có nhiều vị do tâm buông lung, nên ít để ý xem xét cảnh chung quanh để rồi nhìn lại mình mà sửa đổi tiến lên.
Lại có trường hợp là, người vừa hơi buông lung, mới bỏ một thời thiền liền bị người lớn nhắc rầy. Người này nhìn thấy huynh đệ khác ít ngồi thiền mà không ai nhắc, còn mình chỉ một chút là bị rầy nên phiền não. Pháp so sánh như vậy là không đúng, là đi xuống. Chúng ta phải nên so sánh khi thấy những huynh đệ trong chúng có những lúc làm nhọc, đáng lẽ nghỉ ngơi mà cũng đi ngồi thiền, còn mình hơi mệt là muốn nghỉ tọa thiền rồi, thật xấu hổ. So sánh như vậy, mới đi lên, còn so sánh phân bì kiểu đó là đi xuống.
Có bài kinh, Đức Thế Tôn thuyết giảng cho Tôn giả A-nan nghe về thời Phật Ca-diếp, Ngài nói: “Thời Phật Ca-diếp, có vị môn đệ tên là Gavesin. Thầy hướng dẫn một số cư sĩ tại gia, nhưng cả thầy và trò không giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh. Ông thầy không nghiêm trì giới luật nên trò bắt chước theo. Một thời gian sau, vị thầy nghĩ là chính ta đã hướng dẫn những vị cư sĩ tại gia tu hành, vậy ta đã là người dẫn đầu mà tất cả những người ấy và ta đều chẳng nghiêm trì giới luật. Vì vậy, ta và họ đều như nhau, không ai hơn ai hết, họ không trì giới, ta không trì giới, thầy trò như nhau, ta không có chi hơn họ cả, vậy thì ta cố gắng tu thêm chút nữa mới có thể hướng dẫn cho họ tu hành”. Đó mới là so sánh để tiến lên.
Thấy mình không trì giới, học trò cũng không, mình như họ, họ như mình; mình cầm đầu hướng dẫn họ mà có hơn đâu, so sánh vậy nên cố gắng tu thêm chút nữa để hướng dẫn họ. Nghĩ xong, vị thầy đến tìm những cư sĩ tại gia và báo rằng: “Bắt đầu từ nay tôi sẽ thọ trì giới luật”. Khi ấy, những người cư sĩ liền nghĩ: “Nếu thầy biết giữ gìn giới luật lẽ nào chúng ta không làm theo”. Thế là, tất cả đều xin thọ trì giới luật như thầy hết. Nhóm cư sĩ này cũng biết so sánh để tiến lên.
Thầy quyết nghiêm trì giới luật, thì trò cũng nghiêm trì giới luật. Thấy thế vị thầy nghĩ: “Nếu mà như vậy ta và nhóm cư sĩ kia cũng đồng nhau, họ cũng nghiêm trì giới luật, ta cũng không có gì hơn cả, ta nên cố gắng thêm một chút nữa”. Như lần trước vị thầy đến báo với họ là: “Bắt đầu từ hôm nay, tôi sẽ sống theo các bậc phạm hạnh, ngụ nơi thanh vắng, lánh xa tình dục”. Nhóm cư sĩ nghe vậy tự nghĩ rằng: “Lẽ nào chúng ta chẳng làm theo”. Rồi cả thảy đều hành theo phạm hạnh, ngụ ở nơi vắng vẻ, lánh xa tình dục.
Vị thầy này thấy vậy lại nghĩ: “Nếu thế ta và nhóm cư sĩ kia đồng nhau, ta không có chi hơn họ cả. Vậy ta phải cố gắng thêm chút nữa, đã là thầy họ thì phải làm sao hơn họ, mới xứng đáng làm thầy, nếu mình cũng như họ thì lấy gì để làm thầy người”. Vị thầy lại đến báo rằng: “Xin báo cho các người biết từ hôm nay tôi mỗi ngày ăn một lần, tôi bỏ ăn chiều và không ăn sái giờ”. Nhóm cư sĩ kia nghĩ: “Lẽ nào chúng ta lại chẳng làm theo”.
Đức Phật bảo A-nan: “Hỡi này A-nan! Vị thầy đó liền ôn lại những hành vi của mình và cư sĩ giống nhau, bèn nghĩ rằng ta và họ đồng nhau, ta không có chi hơn họ, nếu vậy ta phải cố gắng thêm chút nữa. Vị thầy đó đến bạch Phật Ca-diếp xin Phật cho phép xuất gia hành theo chánh giáo. Thấy vậy, cả nhóm cư sĩ cũng xin xuất gia hành đạo theo. Không bao lâu thầy đắc quả A-la-hán. Ông nghĩ đây là điều rõ rệt, vậy ta có thể đạt được sự an vui, giải thoát theo sở nguyện, không chi khó khăn, ta mong cho tất cả hàng xuất gia kia cũng được toại nguyện như ta vậy”.
Ngài thành tựu được sở nguyện của mình nên Ngài cũng mong những vị xuất gia kia cũng được toại nguyện như Ngài.
“Trong thời gian sau nhóm Tỳ-kheo do thầy Gavesin này hướng dẫn, cố gắng tinh tấn để hết năng lực vào các pháp hành cao thượng cho đến khi được hoàn toàn giải thoát”. Tức chứng A-la-hán.
Nhờ so sánh như vậy mà thầy Gavesin cố gắng tu tập, để hết năng lực về pháp hành cao thượng, thành tựu được sở nguyện hoàn toàn giải thoát, chứng A-la-hán và những vị trong nhóm do Ngài hướng dẫn cũng được toại nguyện như Ngài.
Phật bảo này A-nan: “Vì lẽ ấy ông nên trau dồi các pháp cao thượng nên cao thượng thêm, các pháp tinh tấn được tinh tấn thêm, cố gắng tấn hóa luôn luôn, cho đến khi được hoàn toàn giải thoát. Này A-nan! Ông nên trau dồi giới hạnh như thế”.
Như thấy người kia nhiều xấu dở sao mà không ai nhắc, còn mình mới phạm chút lỗi thì lại nhắc, so sánh kiểu đó là đi xuống, phải hiểu vậy đó để luôn cảnh giác tiến tu. Phật nhắc nhở ngài A-nan là phải nên trau dồi các pháp cao thượng làm cho nó cao thượng thêm, các pháp tinh tấn khiến cho tinh tấn thêm. Được vậy thì mới luôn tấn hóa cho đến giải thoát hoàn toàn, chứ không thể đứng dừng một chỗ. Tu vậy bảo đảm kết quả đều sẽ được như ý.
V. TÓM KẾT
Tất cả chúng ta là người đã quyết chí xuất gia, đi trên đường giác ngộ của Phật, Tổ thì phải có chí khí lớn của người xuất gia, tâm quyết tiến để vươn lên đến chỗ giác ngộ thật sự, chớ không phải giác ngộ trên chữ nghĩa, hoặc chỉ giải thoát trên hình tướng.
Chúng ta đã cạo tóc, bỏ cha mẹ vào chùa, mặc áo hoại sắc đó là giải thoát trên hình tướng. Còn giải thoát thật sự là tâm giải thoát, phải thắng phục được những phiền não, không yếu đuối buông thả qua ngày. Thế nên, người tu chưa tỏ ngộ, chưa sáng được đạo, chưa liễu ngộ sanh tử, thì phải băn khoăn thao thức. Việc lớn làm chưa xong, chí xuất gia của mình chưa thành tựu, nên ngủ thao thức, ăn ngủ không yên, đâu có an ổn qua ngày.
Xưa, ngài Cao Am ở Vân Cư, mỗi khi thấy người xuất gia vào thất của mình tham vấn không khế hợp, không tỏ ngộ được, Ngài liền nắm áo người ấy, nghiêm sắc mặt, trách: “Cha mẹ nuôi thân ông, thầy bạn tạo thành chí cho ông, ông không bị sự đói lạnh làm bức bách, không bị nhọc nhằn lính tráng (không phải đi lính). Thế mà ông chẳng kiên cố tinh tấn cho thành đạo nghiệp, ngày sau mặt mũi nào nhìn cha mẹ, thầy bạn”.
Ai vào tham học mà không tỏ ngộ trở ra Ngài đều nắm áo kéo lại trách lời như trên. Ngày nay, chúng ta kiểm lại mình, có mặt mũi nào nhìn cha mẹ, thầy bạn hay không? Tâm đã dứt khoát hay chưa. Đó là điểm mà mỗi người phải có tâm chí cương quyết dứt khoát để tu tiến lên. Như câu chuyện về Ngài Bàn Khuê tại trạm đổi ngựa, tỏa ra một ý chí dứt khoát, một gương cảnh tỉnh người học sau này rất lớn lao.
Một thời khi ngài Bàn Khuê còn đi hành khước tham thiền, lần đó bị mỏi chân đi đến trạm ngựa thuê con ngựa cưỡi đi. Thuê xong, vừa lúc đó lại có khách hàng giàu có đi đến cũng thuê ngựa. Trạm đã hết ngựa cho thuê, nhưng người chủ trạm ngựa nổi lòng tham muốn cho người nhà giàu thuê giá đắt hơn, được bồi dưỡng nhiều hơn, nên đổi ý liền đến lôi Sư xuống ngựa, không cho thuê. Sư đã ngồi trên ngựa rồi mà bị lôi xuống để cho người nhà giàu thuê, vì được lợi nhuận lớn hơn.
Ngài Bàn Khuê xuống ngựa liền ngồi kiết già ngay trạm ngựa. Người chủ trạm đến an ủi Sư, hỏi: “Thầy có giận không thầy?”. Thiền sư Bàn Khuê trả lời: “Vì việc lớn mong cầu giác ngộ, tôi đã từ bỏ quê nhà, chống lại ước muốn cha mẹ, mà nay tôi lại bất mãn vì chuyện nhỏ nhặt này, tôi cảm thấy rất hối hận”. Nói xong, Sư liền đứng dậy bỏ đi. Từ đó về sau, Sư thường nói với trong chúng: “Từ lúc ấy trở đi, tôi tuyệt gốc giận dữ”.
Người xưa dứt khoát như vậy, còn chúng ta kiểm lại thì sao? Lâu lâu gặp một hai chuyện nhỏ, hoặc máy móc, phim truyện vẫn còn chưa dứt khoát được. Còn Sư cho việc ngược đãi đóù là việc nhỏ không đáng giận dữ nhưng Sư lại giận, chỉ một lần đó thôi là dứt tuyệt gốc. Mới thấy được chí người xưa như thế nào? Bởi vậy người xưa tu mau đắc đạo, còn chúng ta tu lâu đắc đạo bởi vì không dứt khoát nổi.
Đó là những tấm gương sáng của người xưa, khi nghe rồi mỗi người cần soi lại chính mình. Trong đời sống hằng ngày, chúng ta có bao nhiêu lần phiền não vì chuyện nhỏ nhặt không đâu, rồi có hối hận không? Có nhớ lại chí nguyện ban đầu khi chúng ta dứt khoát mạnh mẽ như thế nào? Tại sao ban đầu lại có chí nguyện lớn, sẵn sàng bỏ hết, vượt qua hết. Còn nay vì một hai chuyện nhỏ nhặt lại vượt qua không nổi. Mỗi khi hơi buồn, phải trách phải xét lại chỗ này, hỏi chí nguyện cao cả của mình nó nằm ở đâu rồi?
Tóm lại, để nhắc tất cả người xuất gia cần phải luôn giữ tâm ngay thẳng chân thật. Chân thật xuất gia, chân thật giải thoát, chân thật với chính mình để không cong, không quẹo, không trái với chí nguyện xuất gia ban đầu. Phải một lòng chân thật thiết tha tiến đạo, thì đường đi của chúng ta mới bảo đảm đến nơi, có kết quả.
Một lần khác, Thiền sư Bàn Khuê bảo với môn đệ: “Những thiền sinh thường trong mười điều có thể nắm bắt được bảy tám điều, nhưng không thể vượt qua được hai, ba điều còn lại”. Môn đệ hỏi: “Có cách nào vượt qua hay không?”. Sư đáp: “Không cách nào vượt qua”. Môn đệ hỏi: “Lỗi nằm ở chỗ nào?”. Thiền sư Bàn Khuê im lặng một lúc rồi nói: “Nói cho cùng chính là lòng khát khao đạt đến chân lý còn yếu”.
Hai ba điều còn lại mà vượt qua không nổi là bởi vì lòng khát khao đạt đến chân lý còn yếu nên thành khó, vượt qua không nổi. Còn nếu lòng khát khao quá mạnh, thì sẵn sàng vượt qua hết, cái gì cũng vượt qua hết, phá tan hết các rào cản.
Xét lại, tất cả chúng ta tu hành không đạt kết quả là sao? Không sáng tỏ được đạo là sao? Cũng chính vì lòng khát khao đạt đến chân lý còn yếu, chỉ mong tu an ổn qua ngày được rồi. Cho nên, tất cả chúng ta cần bổ túc hai, ba điều còn lại đó, thì bảo đảm con đường đi của chúng ta sẽ đến nơi. Cả bài giảng trên chỉ cô đọng lại chỗ này thôi.