I. CHẾT KHÔNG PHẢI LÀ ĐIỂM CUỐI.

 

Bởi vì người thế gian thường nói sống chết, rồi hiểu sống là điểm khởi đầu và chết là điểm cuối của cuộc đời. Nghĩa là cho chết là hết, là điểm cuối, là xong cuộc đời. Do nghĩ như vậy nên người khi sống lo tranh thủ hưởng thụ để chết không kịp, cũng từ quan niệm đó khiến người tạo nhiều nghiệp dữ không thể lường được.

 

Nhưng trong Phật pháp thì không phải vậy, dạy người tu hành luôn nhớ chết để rồi sống, chứ không phải chết là hết. Nghĩa là chết đời này để sống một đời kế tiếp, tức đời này được coi như là một trạm chuyển tiếp chứ không phải là điểm cuối cùng, rõ ràng là như vậy.

 

Chính cuộc sống của chúng ta hiện tại đâu phải đây là lần đầu tiên có mặt trên cuộc đời này. Cuộc sống hiện tại của chúng ta hiện nay là tiếp nối của quá khứ. Như vậy, cuộc đời hiện tại là trạm chuyển tiếp, từ trạm này chuyển tiếp qua trạm vị lai. Nếu như đời quá khứ con người không có chết thì làm sao có đời hiện tại này, cũng như đời hiện tại này không có chết thì làm sao có đời vị lai. Thấu rõ được lẽ thật đó, thì chết là để sống chứ không phải là điểm cuối cùng.

 

Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải chết như thế nào để sống không có hối tiếc, bởi đã biết rõ sự chết của ta không phải là điểm cuối cùng. Thiền sư Từ Đạo Hạnh ở Việt Nam, khi sắp tịch Ngài có bài kệ để nhắc nhở môn đồ:

 

Thu lai bất báo nhạn lai qui,

Lãnh tiếu nhân gian tạm phát bi.

Vị báo môn nhân hưu luyến trước,

Cổ sư kỷ độ tác kim sư.

 

DỊCH:

 

Thu về chẳng hẹn nhạn cùng bay

Cười lạt người đời luống xót vay.

Thôi! hỡi môn đồ đừng lưu luyến

Thầy xưa mấy lượt hóa thầy nay.

 

Khi Ngài sắp tịch thì môn đồ buồn khóc lưu luyến vì phải mất thầy, nên Ngài nhắc nhở.

 

“Thu về chẳng hẹn nhạn cùng bay” Mỗi lần mùa thu về thì đâu có hẹn nhạn bay cùng, tuy không hẹn mà nó cũng đến. Cũng như cái chết khi đúng thời điểm thì nó phải chết chứ không thể hẹn được.

 

“Cười lạt người đời luống xót vay” Người đời không biết được lẽ thực đó cho nên thấy chết thì buồn xót, thương khóc.

 

Vì thế, Ngài nhắc nhở: “Thôi! hỡi môn đồ đừng lưu luyến, Thầy xưa mấy lượt hóa thầy nay.” Bởi vì không phải mới lần đầu thầy chết, mà thầy đã hóa biết bao lần như thế rồi. Lần này chỉ là một lần trong bao lần mà thầy hóa lại thôi. Cái chết hiện giờ rồi sẽ lại hóa nữa, nào phải là lần đầu thầy chết. Ngài nhắc nhở khuyên môn đồ đừng lưu luyến, buồn khóc.

 

Hiểu như vậy thì khi chết đừng có buồn, bởi chết là để sống mà!. Còn người cứ nghĩ chết là hết, là cuối cùng, là mất hết cả cuộc đời cho nên buồn tiếc, thương khóc đủ thứ, đây chúng ta hiểu chết để sống thì không phải lo mất.

 

Thế nên, khi Lục Tổ báo tin Ngài sắp tịch, thì môn đồ đều khóc lóc, chỉ có ngài Thần hội là không khóc. Lục Tổ bảo: “Tiểu sư Thần Hội lại được thiện ác bình đẳng, chê khen chẳng động, buồn vui chẳng sanh, ngoài ra thì đều chẳng được”. Tức là ngài Thần Hội lúc đó còn trẻ cho nên Tổ gọi là Tiểu sư, và khen là được thiện ác bình đẳng, khen chê, buồn vui gì cũng chẳng có động, còn mọi người thì không được vậy.

 

Tổ bảo tiếp: “Vậy thì mấy năm nay ở trong núi trọn tu đạo gì? Nay các ông buồn khóc là lo cho ai, nếu lo cho ta chẳng biết chỗ đi thì ta đã tự biết chỗ đi, nếu ta không biết chỗ đi thì trọn chẳng báo trước cho các ông. Các ông buồn khóc bởi vì chẳng biết chỗ đi của ta, nếu biết chỗ đi của ta tức chẳng nên buồn khóc”. Lục Tổ quở là mấy ông ở trong núi tu đạo gì mà đến giờ vẫn giống như người thế gian cũng buồn khóc. Mà các ông khóc vậy là khóc cho ai? Nếu mà khóc cho ta, lo cho ta, sợ ta chết không biết chỗ đi, thì chính ta đã biết chỗ đi nên báo trước cho các ông là ta đi, vậy thì các ông buồn khóc cho ta thì không phải rồi! Như vậy chính là các ông thiếu tu. Tức là nhắc nhở mọi người phải khéo tu hành, đừng giống như người đời.

 

Bởi người đời không thấu được nghĩa thật của sự chết sống, nên khi cái chết đến là buồn khóc lưu luyến, còn hiểu được nghĩa này thì đâu có buồn khóc như vậy, đó là nhắc cho mọi người khéo gắng tu hành thêm. Như vậy, hãy nhớ cái chết không phải là điểm cuối cùng, và chết không phải là hết, mà chết là để sống, đó là ý nghĩa chân thật.

 

II. HÃY CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT.

 

Bởi vì không phải chết là hết, nên phải chuẩn bị cho cái chết, chết để sống lại. Tức là phải chuẩn bị cái chết như thế nào, để khi chúng ta sống trở lại tốt đẹp hơn, thì mới có ý nghĩa. Giống như bỏ xe cũ thay xe mới, thì phải thay xe mới tốt hơn, đừng bỏ xe cũ mà thay xe mới lại xấu hơn xe cũ, là không hay.

 

Mà muốn được thay xe mới tốt hơn thì phải sao? Ngay đây phải lo chuẩn bị cho có vốn liếng đầy đủ. Tức là trong cuộc sống hiện nay chúng ta phải tạo đời sống tốt lành, tạo những thiện nghiệp, đó là chuẩn bị vốn liếng, để chuẩn bị cho cái chết an lành rồi khi sống lại được một đời sống tốt đẹp hơn, vì có chuẩn bị nên thay xe mới tốt hơn.

 

Nếu như ngay đây mà chúng ta không chuẩn bị để cho nó hư cũ, lại cũng không có tiền mua xe mới thì khi chết rồi gặp cái gì bám đại vào đó là rất nguy hiểm. Do đó, ngài Hàn Sơn hóa thân của Bồ Tát Văn Thù có bài thơ nhắc nhở người đời:

 

Đời trước quá ngu si,

Chẳng được ngày nay độ,

Ngày nay nghèo thế này,

Thảy là đời trước tạo.

 

Tức là Ngài nói ngày trước con người vì quá ngu si mê lầm, không có gì để độ ngày nay. Cũng như người đời nay nghèo là sao. Nghèo có hai: Nghèo về tiền bạc tài sản, mà cũng nghèo về công đức, không có phước đức. Ngài nói sở dĩ ngày nay nghèo thế này thảy do đời trước tạo, tức tạo cái nhân xấu.

 

Đời nay lại chẳng tu,

Đời sau vẫn như cũ,

Hai bờ đều không thuyền,

Mênh mông khó cứu độ.

 

Đã biết đời nay chúng ta nghèo là do đời trước thiếu vốn tu, đời nay lại chẳng tu thì đời sau vẫn như cũ, như cũ là còn tốt, nhiều khi nó không như cũ mà còn xuống thêm nữa. Ngài lại nói giống như hai bờ đều không có thuyền, đời trước không có, đời nay không có thì đời sau lấy cái gì để cứu độ mình đây, rất là nguy hiểm, đó là thiếu chuẩn bị! Cho nên, mỗi người phải sáng suốt chuẩn bị đừng để khi chết hoảng hốt, sợ sệt rồi chới với không có điểm tựa, không biết đi đâu thì nguy hiểm! Tức là không có nghiệp lành để làm vốn liếng, làm cái phao để mình bám trong biển sanh tử mênh mông này thì thật là đáng lo đáng sợ. Nên, người hiểu đạo phải chuẩn bị lo trước để đi xa.

 

Có một bậc thầy Tây Tạng khai thị cho mọi người: “Học để biết chết như thế nào, tức là học để biết sống như thế nào. Mà học để biết sống như thế nào là học cách để hành động, không những trong kiếp này mà còn trong nhiều kiếp sắp đến. Để chuyển hóa bản thân thật sự, và để được tái sinh như là một người được chuyển hóa để giúp đỡ những người khác, là thật sự giúp đỡ thế giới một cách có tác động mạnh nhất.”

 

Cho nên, học chết tức là học sống, mà học sống là sao? Tức là học cách để chúng ta hành động ngay trong đời sống này, để làm sao chuyển hóa bản thân tạo một nghiệp tốt lành, để khi tái sanh được chuyển hóa thành một người tốt đẹp, vừa lợi ích cho mình mà cũng vừa giúp đỡ cho mọi người, để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, một cách sống tích cực hơn.

 

Như vậy, học chết tức là học để biết sống ngay cuộc sống hiện tại đây, sống làm sao cho thật sự đúng ý nghĩa sống, để đưa đến một cái chết an lạc, một chuyển tiếp tốt đẹp và cuộc sống tích cực. Cho nên, học Phật đâu phải là tiêu cực, có người nói học Phật chỉ dạy về vô thường, sanh tử khiến nghe buồn, tiêu cực quá! Nhưng ngược lại, đây là một cách giúp cho người sống để vừa chuyển hóa đời sống của mình, mà vừa làm lợi ích cho mọi người xung quanh. Thế nên, đó là cách sống rất là tích cực chứ đâu có tiêu cực, chỉ có người chưa hiểu rõ đạo Phật mới nói là tiêu cực. Hiểu kỹ như vậy rồi, ngay đây chúng ta chuẩn bị để đời sống thật là có ý nghĩa, sống đúng ý nghĩa sống.

 

Ngài Đạt Lai Lạt Ma cũng nói: “Là một Phật tử nên tôi xem cái chết là một chuyện bình thường, một thực tế mà tôi chấp nhận sẽ xảy ra, đến chừng nào tôi vẫn còn lưu lại trên cõi trần tục này. Vì biết rằng chết là điều không thể tránh, tôi thấy không có lý do gì để lo âu về nó”. Phật tử là con Phật, nên quý vị mang tên Phật tử là ý nghĩa rất lớn chứ không phải tầm thường, chính Ngài cũng xưng Ngài là Phật tử. Tức là còn có mặt ở đây là chấp nhận mình phải chết, đó là chuyện phải đến chứ không thể nào tránh khỏi được. Biết đó là điều không thể tránh thì không có lý do gì phải sợ phải lo. Chúng ta có sợ chết thì cũng phải chết, vậy tại sao phải sợ? Nếu sợ mà khỏi chết thì cũng nên sợ, còn sợ rồi cũng phải chết thì sợ để làm gì? Cho nên Ngài nói không có lý do gì để lo âu về nó.

 

“Tôi thường nghĩ đến cái chết giống như là thay đổi quần áo, khi chúng cũ và mòn rách, hơn là một kết thúc tối hậu nào đó”. Ý nói chết không phải là điểm cuối cùng, không phải chết là hết.

 

“Song cái chết không thể đoán trước được, ta không biết nó xảy ra khi nào và bằng cách nào. Vì vậy điều hợp lý duy nhất là hãy thực hiện vài sự phòng xa nhất định nào đó, trước khi cái chết thật sự xảy đến, đó là người sáng suốt”. Tức là biết chắc chết là điều mà ta phải đi đến không thể tránh khỏi, bắt buộc phải chấp nhận thôi. Ngài nói tuy đã biết như vậy nhưng lại không biết nó sẽ đến khi nào, lúc nào, và chết bằng cách nào. Nên điều hợp lý duy nhất là hiện tại mỗi người phải chuẩn bị phòng xa, vài điểm nhất định nào đó để khi cái chết đến, nhờ có chuẩn bị trước nên dễ đối phó, đó là người sáng suốt.

 

Qua đây, chúng ta thấy những bậc hiểu đạo thì luôn luôn nhắc nhở mọi người như vậy, phải lo phòng xa chuẩn bị trước, để khi đến giây phút đó không có bở ngỡ. Còn không chuẩn bị gì hết khi cái chết đến bất ngờ rồi hoảng hốt, sợ sệt lúng túng đủ thứ, giống như việc không ngờ. Vì vậy, ngay đây mỗi người chuẩn bị cho mình là vừa, đừng nói là hiện giờ tôi còn khỏe mạnh để sang năm, hoặc chục năm nữa chuẩn bị cũng không muộn. Không phài vậy, ngay đây chuẩn bị là vừa rồi chứ không có muộn màng gì hết, chuẩn bị để chúng ta có một cái chết hợp đạo lý, hơn là cái chết tầm thường than khóc theo thế gian. Nghĩa là, chết cho xứng đáng với tinh thần của người học đạo, chết với một cái chết thật có ý nghĩa.

 

III. NHỮNG BÀI HỌC ĐỂ CHẾT.

 

1- Chết thiếu chuẩn bị: Có một phụ nữ người Mỹ, bà này đến gặp vị thầy Tây Tạng ở Nữu Ứớc, khi vào phòng ngồi trước mặt Ngài, bỗng bà xúc động khóc òa, nói: “Bác sĩ bảo rằng tôi chỉ còn sống vài tháng nữa, vậy thầy có thể nào giúp tôi không? Tôi đang chết, đang chết”. Tưởng đâu như vậy thì Ngài dùng cách an ủi cho bà bớt khổ, không ngờ Ngài phát cười khúc khích, một lúc Ngài nói: “Đó, bà thấy trong chúng ta ai cũng đều đang chết cả, chỉ là vấn đề thời gian, có một số người chết sớm hơn những người khác, thế thôi !”

 

Ngài giúp cho bà thấy, chết là việc phổ thông cho tất cả chứ không phải chỉ riêng bà. Nên Ngài nói là bà nên nhìn thấy tất cả mọi người, ai cũng đang và sẽ chết cả, chỉ có vấn đề thời gian là chết chậm chết mau thôi. Vì vậy, mà có một số người chết sớm hơn người khác. Nhưng kết lại là ai rồi cũng phải chết.

 

Bởi bà tưởng có một mình bà chết, cái chết chỉ áp đặt lên bà, nhưng đây Ngài nói rõ, chết là cái phổ thông cho tất cả. Tức là nó được chia đều, mỗi người đều có lãnh phần hết, chứ không phải riêng ai. Vậy thì chúng ta hết lo, có người chia phần bớt cho mình rồi, đâu phải riêng mình chụi, mà người này lãnh phần, người kia lãnh phần, mình cũng lãnh phần nhỏ trong đó. Chúng ta cũng bớt lo, lấy lại chút bình tỉnh là nhớ cái chết này được chia đều hết. Sau đó, Ngài mới nói về cái chết, giải thích về cái chết, giúp cho bà chấp nhận cái chết, đó là cách khéo léo của Ngài.

 

Để chúng ta thấy tình trạng của đa số người sống mà không biết chết, không lo chuẩn bị trước, cho nên bất chợt phải giáp mặt với nó, phải đối diện với cái chết thì không tự chủ được, mất bình tỉnh. Quý vị nên nhớ rằng dù cho tài trí, thông minh số một trên thế gian đi nữa cũng không thể giải quyết được việc đóù, cũng không thể cứu mình khỏi chết được. Lúc đó thông minh cũng không cứu nổi nên phải có chuẩn bị, tức là phải có “pháp” để sống, vì ngay lúc đó không có thời gian để lý luận thế này thế kia.

 

Như vậy, mọi người cần có chuẩn bị, bởi vì cái chết bất ngờ đến mà chúng ta thiếu sự chuẩn bị, khi phải đối diện với cái chết, thì sẽ rất đau khổ, mất bình tỉnh, chới với!

 

2- Chết có chuẩn bị: Như vua Trần Thánh Tông đời Trần, làm vua nhưng cũng học đạo tham thiền, có tu hành, có chuẩn bị. Tuy đủ thứ bận rộn của một ông vua, nhưng nhờ có tu tập pháp, có pháp làm điểm tựa, cho nên khi chết có tự chủ, có sức bình tỉnh đối diện với cái chết.

 

Quý vị đừng nghĩ tôi bận rộn quá không có thời gian tu, ông vua còn có thời gian thì mình còn có thời gian, chỉ là mình muốn hay không. Trong Thánh Đăng Lục ghi: Khi vua bị bệnh sắp băng hà, Thượng sĩ Tuệ Trung gởi thư đến thăm, vua mới viết vào cuối trang giấy đáp lại:

 

Hơi nóng hừng hực mồ hôi đẫm,

Chiếc khố mẹ sanh vẫn ráo khô.

 

Tức là hơi nóng đang đốt thân này ra mồ hôi ướt đẫm, nhưng không dính gì tới chiếc khố mẹ sanh của Ngài. Tức là Ngài thấy rằng lửa vô thường, lửa sanh tử đốt thân này bức bách như vậy, nhưng chính Ngài thấy không có dính dáng gì hết. Gọi là không có ướt gì tới khố mẹ sanh, tới con người chân thật của Ngài, nó chỉ đốt là đốt thân này thôi, cho nên không có sợ.

 

Quý vị thấy một ông vua mà tu rất hay. Vua thấy cái chết không có dính dáng gì tới ông. Và đến lúc bệnh nặng vua thường lấy ngón tay gõ gõ vào chiếc gối, giống như là có sở đắc, điều gì trong nội tâm, chốc lát vua đòi bút để viết bài kệ để lại:

 

Sanh như mặc áo,

Chết tợ cởi trần,

Từ xưa đến nay,

Không đường nào khác.

 

Con người được sanh ra giống như mặc áo, chết giống như cởi trần, từ xưa đến nay là như vậy. Ngài thấy sống chết giống như mặc áo, cởi áo đâu có dính dáng gì tới Ngài, đó là bình tỉnh không có lo sợ gì hết. Như vậy vua thấy mình đâu có chết, lửa vô thường tuy đốt cháy hừng hực, đốt thân xác đẫm mồ hôi này, nhưng cũng không dính dáng gì đến con người thật của Ngài. Chúng ta thấy ông vua hiểu đạo lý, thấy được đạo lý và cũng có sức sống chứ không phải là nói suông, nên thấy việc chết sống như mặc áo cởi áo, không có gì để lo lắng. Đó là cái chết có sự chuẩn bị kỹ, một cái chết thật có ý nghĩa, một cái chết rất sáng ngời, chết như vậy thì Ngài đâu có chết!

 

Có câu chuyện về một hành giả tu hành sáng đạo. Khi sắp chết ông bị bệnh vài hôm, bác sĩ đến xem mạch biết ông sắp chết, nhưng bác sĩ do dự không biết là có nên nói sự thật hay không. Bởi theo kinh nghiệm của người bác sĩ thì có nhiều người bệnh rất sợ chết, nên vẻ mặt của bác sĩ trông nghiêm trọng buồn bã. Nhưng ông giống như một đứa trẻ hồn nhiên, năn nỉ bác sĩ cho biết tình trạng sức khỏe như thế nào. Cuối cùng bác sĩ cũng đành nói thật, vừa nhẹ nhàng an ủi: “Hãy cẩn thận, thời gian đã đến”. Nói rất khéo. Vừa nói xong, bác sĩ ngạc nhiên thấy vẻ mặt ông tươi hẳn lên, ông nói: “Thật vậy sao! Ồ thật là một tin mừng.” Ngay lúc đó, ông nhìn lên trời rồi chết thật nhẹ nhàng!!!

 

Đó là chết có chuẩn bị, nghe tới chết là mừng, cho đó thật là một tin mừng vì sớm bỏ được thân xác này. Nên ông chết đâu có đau khổ, mà là một cái chết sáng ngời, đúng ý nghĩa. Đó là những bài học để chết, phải nhớ rõ chết là để sống, chứ không phải chết để hết, để mất, luôn nhớ kỹ điều đó.

 

- Một điểm cần nhớ nữa là, cái chết được chia đều cho tất cả, không phải chỉ riêng ai, ai cũng có phần và chắc chắn như vậy. Nhưng có điều không biết cái chết sẽ đến như thế nào? Cho nên, hiện tại tốt nhất chúng ta phải phòng xa chuẩn bị vài điều kiện cần thiết phòng khi cái chết đến, bằng cách chúng ta phải lo học “pháp” và có “pháp” để sống, tức là sống với pháp. Đó là phòng xa, là chuẩn bị, tức là tạo vốn liếng để khi nó đến chúng ta cũng có sự bình tỉnh, tuy chúng ta chưa có thực sự giải thoát hoàn toàn, nhưng có pháp làm chỗ nương, bởi vậy ngay đây mỗi người chuẩn bị là vừa.

 

Chúng ta học đạo là để thực hành, chứ không phải để tăng thêm kiến thức. Dù người hiểu đạo cách mấy đi nữa mà không có thực hành, thì cũng không đi đến đâu, nếu khi cái chết đến cũng hoảng sợ như thường. Đừng nghĩ rằng tôi hiểu đạo sâu nên khi cái chết đến không sao! Không phải vậy đâu, vì hiểu là một chuyện mà thực hành là một chuyện.

 

Thí dụ nói: “Tôi giải thoát”, nói thì dễ dàng và ai cũng có thể nói được, nhưng thực sự có giải thoát hay không là chuyện khác. Thì đây cũng vậy, nói tôi hiểu đạo thì đúng là đã hiểu, nhưng nếu chưa từng thực hành, chưa thực sống, chưa thường quán chiếu và chuẩn bị cho mình, thì khi đến đó những cái hiểu này không thể dùng được. Bởi vì lúc đó đâu còn thời giờ để chúng ta nhớ đến câu kinh, không có thời giờ để chúng ta nói lý. Khi đó những nghiệp đã tạo liền quay lại đủ hết thành bộ phim trong tâm, khiến tinh thần càng rối loạn. Do không chuẩn bị, cũng chưa từng quán chiếu thực hành về cái chết, lúc đó chúng ta nhớ cái này nhớ cái kia, rồi khi sắp buông thân này không biết sẽ đi đâu, trong lòng bị đủ thứ sợ hãi, đủ thứ chi phối.

 

Vì thế, khi có sự chuẩn bị thì thời điểm ấy tới chúng ta liền biết, không thấy lạ, tâm có sự bình tỉnh, mà có sự bình tỉnh là có pháp, thì chúng ta chết được an lành hơn. Chính mình lo chuẩn bị cho mình là trọng yếu nhất, chứ đừng nghĩ đến lúc đó có con cháu lo cầu siêu cho mình, việc đó đâu chắc chắn. Nếu con cháu thực tâm vì mình cầu siêu thì đôi khi cũng có sự cảm ứng; còn như chúng làm dối lấy lệ, hoặc để có tiếng, thì nhiều khi còn nguy hiểm thêm nữa. Lúc đó, quý vị ở bên kia biết nó làm dối cho bà con khỏi chê trách, thì quý vị không vui mà nói không được thì càng tức nữa, mà tức thì đi bậy. Hoặc là, chúng ta chết nhằm ngày trùng thì chúng ếm không cho về nhà, lúc đó càng tức hơn. Nói như vậy để cho tất cả đều ý thức để lo chuẩn bị tinh thần đạo lý đầy đủ, khiến khi ra đi an lành là tốt nhất.

 

IV. TÓM KẾT.

 

Đời người ai rồi cũng đi đến cái chết không thể tránh khỏi, đó là điều chắc chắn, đó là điểm hẹn bắt buộc cho tất cả những ai có mặt trên cõi đời này. Nếu đã như vậy thì chúng ta phải đi qua cuộc đời như thế nào đây để cho tốt, cho có ý nghĩa. Chúng ta hãy nhớ kỹ, đây chỉ là một trạm chuyển tiếp, chứ không phải là điểm cuối cùng. Cho nên, cần phải nhận biết cho rõ và để chuyển xe cho tốt, đó là cách của người học Phật biết sống, sống để đi qua cái chết và chết để sống. Vậy, chết để mà sống chứ không phải chết là hết.

 

Như bài kệ của Thiền sư Mãn Giác khi Ngài sắp tịch dạy chúng:

 

Xuân khứ bách hoa lạc,

Xuân đáo bách hoa khai,

Sự trục nhãn tiền quá,

Lão tùng đầu thượng lai,

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

 

Ý bài kệ nói, người ta thường nói xuân đến rồi xuân đi, đó là theo thứ tự của thế gian có đến rồi mới có đi. Nhưng ở đây Sư nói ngược lại “Xuân khứ bách hoa lạc”, tức là xuân đi trăm hoa rụng, rồi “Xuân đáo bách hoa khai”, tức là xuân đến trăm hoa nở, giống với ý nghĩa của bài giảng này. Sư không nói là xuân đến rồi xuân đi, mà lại nói xuân đi rồi xuân đến. Bởi vì Ngài sắp tịch, tịch tức là đi, nhưng đi không phải là hết, giống như Ngài Từ Đạo Hạnh nói “Thầy xưa mấy lượt hóa thầy nay”, sự đi đó cũng là một trạm chuyển thôi.

 

Bài kệ nói xuân đi thì hoa rụng, nhưng mà xuân đến hoa nở thì đâu phải hết. “Sự trục nhãn tiền quá” là việc đời cứ trôi qua trôi qua trước mắt, không đứng vững. Nhưng lâu lâu nhìn lại thì “Lão tùng đầu thượng lai”, nhìn lại thì tóc trên đầu đã bạc. Tức là sự vô thường nó đeo đuổi con người không có bao giờ dừng, muốn nó dừng cũng không được.

 

Sống ở đời, nhiều người gặp hoàn cảnh an vui, sung sướng tốt đẹp thì muốn hưởng cho lâu, muốn kéo cho nó dài, nhưng nó vẫn trôi qua không đứng lại. Rồi gặp những hoàn cảnh buồn khổ, đau đớn muốn cho nó trôi qua mau, nhưng nó vẫn cứ đều đều không chịu đi mau, tức là chúng ta không làm chủ được nó.

 

Đúng như lời Phật nói, cuộc sống vô ngã, không có chủ. Nếu thật sự có ngã, có chủ thì khi chúng ta ra lệnh cho nó, điều này không thích cho qua mau, còn điều này thích hãy từ từ bớt lại, nhưng mà không được, không như ý. Ngay bản thân chúng ta cũng vậy, không thể làm chủ, tuổi đời vẫn trôi đều, không chịu dừng để lâu lâu hãy già, hoặc đừng có chết sớm… Chúng ta hoàn toàn không thể ra lệnh gì được hết, cho nên quán kỹ thân người thì đúng là vô ngã.

 

Nhưng nhiều người không hiểu được đạo lý, cứ tưởng có cái ngã thật là mình và mình làm chủ thật sự, nên khổ vì nó, muốn mà không được thì khổ. Nhưng với người hiểu đạo thì cuộc đời không phải trống rỗng như vậy, cho nên Thiền sư nói “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận”, đừng có bảo rằng mùa xuân tàn thì hoa rụng hết, nên nhớ rằng “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”, tức là đêm hôm qua trước sân vẫn còn cành mai.

 

Chúng ta thấy Sư dùng từ rất có ý nghĩa và cũng rất là khéo léo. Sư không nói là còn một chùm mai mà nói là còn một cành mai, rất là hay, đâu phải dùng tùy hứng. Nếu nói còn chùm mai thì nó vẫn rụng nữa, nhưng nói còn cành mai thì nó vẫn còn đó, rồi tới mùa xuân hoa tiếp tục nở nữa, rất là ý nghĩa. Như vậy, ngay trong cái vô thường vẫn còn có cái không mất, nếu nhận và ứng dụng được cái đó, là người khéo sống. Người học đạo phải thấy được ý nghĩa sâu xa như vậy, cho nên nói Chết Sống là đúng ý nghĩa.

 

Hiện tại chúng ta cần sáng suốt để sống, để biết lối đi cần nên đi, đừng để mờ mờ mịt mịt. Có bài thơ trong quyển Tự Truyện Năm Chương của Phật giáo Tây Tạng, ý nhắc nhở mọi người khéo sống để chuẩn bị cho mình.

 

Tôi đi xuống đường phố,

Có một lỗ sâu bên vệ đường,

Tôi rớt vào đó,

Tôi chới với vô phương.

 

Tức là tôi đi xuống đường phố, có một lỗ sâu bên vệ đường, tôi rớt vào đó chới với vô phương, không có cách gì chống đỡ. Đó là muốn nói đến người sắp chết mà không có chuẩn bị trước, cái chết bất ngờ đến giống như rớt xuống hố thành ra vô phương không có cách gì chống đỡ.

 

Tôi đi xuống cũng con đường ấy,

Có một lỗ sâu bên vệ đường,

Tôi làm bộ như không trông thấy,

Tôi lại rớt như thường,

Tôi không ngờ mình ở ngay chỗ cũ,

Nhưng đó đâu phải lỗi tại tôi,

Mất nhiều thời gian mới hòng ra khỏi.

 

Trường hợp này cũng đi xuống con đường đó, rồi cũng gặp lỗ sâu bên vệ đường, nhưng tôi làm bộ không trông thấy nên cũng bị rớt xuống đó. Trường hợp này không phải làm bộ là khỏi rớt, nên nói không ngờ tôi cũng rớt ngay chỗ cũ, tức là cũng phải chết.

 

Tôi cũng lại đi con đường cũ,

Có một lỗ sâu bên vệ đường,

Tôi thấy nó vẫn đang ở đấy,

Và tôi vẫn rơi vào, đó là thói quen,

Mắt tôi vẫn mở, tôi biết mình ở đâu,

Đấy là lỗi tại tôi, tôi liền ra tức khắc.

 

Trường hợp này. Cũng đi con đường đó, cũng hố sâu bên vệ đường đó, tôi thấy nó rõ ràng nhưng tôi vẫn rơi, đó là thói quen nên phải rơi xuống đó. Nhưng tôi có thấy, tôi biết tức là có chuẩn bị. Mắt tôi vẫn mở, rồi tôi biết mình ở đâu, rất là sáng suốt bình tỉnh. Tự biết đấy là lỗi tại tôi, tức là tôi vào trong này rồi tôi phải đi trong đó thôi, tại tôi sanh vào đây. Nhờ tôi có sáng suốt, cho nên tôi liền ra khỏi tức khắc, đó là có trí tuệ. Tuy có trí tuệ nhưng còn chưa hay.

 

Tôi đi xuống con đường phố cũ,

Có một lỗ sâu bên vệ đường,

Tôi đi quành qua nó,

Tôi đi xuống bằng con đường khác.

 

Đó là những người thật sự đạt đạo, có đường đi, chọn đường đi. Trường hợp trên là biết nhưng chưa thể tự chọn đường được, còn đây là chọn đường đi. Cũng đi con đường phố cũ đó, tức là có sanh ra, có mặt đây rồi thì cũng phải chết. Nhưng bây giờ thì tôi đi quành qua nó, tức là tôi có con đường đi, đó là những bậc đạt đạo có đường đi của mình.

 

Quý vị thấy trong bốn con đường đó, quý vị chọn con đường nào? Con đường cứ đi rồi rớt xuống đó, chới với vô phương. Con đường làm bộ làm ngơ không thấy không biết gì hết để rớt xuống, rồi mất thời gian mới ra khỏi, đó là cũng có chút vốn liếng. Con đường mắt thấy rõ nên sáng suốt biết rõ chỗ ở của mình, ngay đó tức ra khỏi. Còn con đường nữa thì quành qua đi. Đó là bốn con đường để mỗi người tự chọn.

 

Bởi con đường đâu có ai chọn thay cho chúng ta được, thầy cũng không chọn thay cho chúng ta được, cha mẹ cũng không chọn thay cho chúng ta được, mà chính ta phải chọn, chọn để đi chứ đâu có ai đi thế được. Đó là ý nghĩa phải nhớ, việc này không ai đi thế cho mình, nên mọi người phải khéo chọn lối đi để đi cho có ý nghĩa, gọi là khéo biết đường đi. Còn nếu chưa được như vậy, thì cũng được niềm tin an ổn để mình đi trong an lành, tức là có niềm tin với pháp để nương tựa mà đi. Khi chưa chọn được con đường tốt thì chúng ta cũng có chỗ nương, có niềm tin đối với pháp để đi theo pháp, như vậy cũng tương đối, chứ đừng có để rớt rồi vô phương cứu vớt.

 

Cũng như câu chuyện ông Trưởng giả Cấp Cô Độc, trong kinh kể ông là vị hộ pháp bậc nhất thời Phật. Trưởng giả thường đến nghe Phật nói pháp, khi được tin ông bệnh nặng gần lâm chung thì Tôn giả Xá Lợi Phất với Tôn giả A Nan liền đến thăm. Ông Cấp Cô Độc đang nằm trên giường bệnh, hai Tôn giả ngồi trên ghế bên cạnh giường, biết ông không còn sống được bao lâu Tôn giả Xá Lợi Phất nhắc nhở: “Ông Cấp Cô Độc, ông đã sống một cuộc đời cao thượng và hữu ích cho gia đình, cho xã hội và cho giáo pháp. Trong buổi thuyết pháp vừa qua tại tinh xá Kỳ Hoàn, Đức Thế Tôn đã tán thán công đức của ông như thế. Mọi việc đáng làm ông đã làm trong suốt cuộc đời, giờ đây ông nên bình tỉnh lắng nghe tôi nói và làm theo”.

 

Tôn giả Xá Lợi Phất hướng dẫn ông quán tưởng để chuẩn bị cho cái chết. Tôn giả bảo: “Này ông Cấp Cô Độc, ông nên quán như sau: Mắt không phải là tôi, tai không phải là tôi, mũi, lưỡi, thân cũng không phải là tôi”. Tức là quán mắt tai mũi lưỡi này không phải là mình để buông không có bám luyến nó.

 

Đợi cho ông quán tưởng xong, Tôn giả Xá Lợi Phất nói tiếp: “Ông nên tiếp tục quán tưởng như sau: “Những gì tôi thấy không phải là tôi, những gì tôi nghe không phải là tôi, những gì tôi ngửi không phải là tôi, những gì tôi nếm, tôi xúc chạm cũng không phải là tôi”. Chúng ta thấy các cảm xúc từ các giác quan là mình, nhưng ở đây Tôn giả dạy ông quán chiếu những gì tôi thấy, tôi nghe, tôi ngửi là không phải mình, đây là nó lệ thuộc vào trong sáu cửa này. Nếu thực là tôi thấy, thực là tôi nghe, thì nó không có chết, không mất.

 

Lát sau, Tôn giả chậm rãi nói tiếp: “Ông nên quán tưởng rõ ràng như thế này: Mắt tai mũi lưỡi thân ý không phải là tôi, sắc thinh hương vị xúc pháp không phải là tôi, thấy nghe ngửi nếm xúc chạm suy nghĩ cũng không phải là tôi. Vì nếu mất một hay tất cả mười tám thứ đó, thì tôi vẫn là tôi không bị sứt mẻ gì, tôi không bị ràng buộc và giới hạn trong những yếu tố ấy”. Tức là những thứ đó thuộc về vô thường, cho nên nó mất mà tôi không mất. Những thứ đó là nhân duyên, mắt đối với sắc thì mới có thấy, nói tôi thấy sắc, nếu không có sắc thì cái thấy đó là mất liền. Cho nên cái thấy đó vẫn là nhân duyên đối đãi, chưa phải thật là tôi. Nếu thật tôi thì dù có sắc hay không có sắc, có trần hay không có trần, có cảnh hay không có cảnh, lúc nào nó cũng phải thấy, còn cái này thuộc về nhân duyên đối đãi vô thường, nên chưa phải thật.

 

Tôn giả nói một hai cái trong những thứ này mất thì tôi vẫn là tôi, tôi không bị sứt mẻ, không bị ràng buộc và giới hạn trong những yếu tố ấy. Cho nên quán những thứ đó không phải là tôi, buông hết không bám, thì không có gì phải quyến luyến, vướng mắc.

 

Ngưng một lúc, lại nói tiếp: “Ông nên quán tưởng như thế này: Thân sắc này không phải là tôi, cảm giác đau đớn này cũng không phải là tôi, rồi sự suy nghĩ này cũng không phải là tôi. Sự biến đổi của thân xác và tư tưởng không can hệ gì đến tôi. Sanh tử không chạm được tới tôi, sinh không làm cho tôi có, tử không làm cho tôi mất, tôi mỉm cười biết rằng cái tôi chân thật chưa hề sanh cũng không bao giờ diệt”. Thân xác biến đổi, rồi cảm giác đau đớn cũng là vô thường. Lúc trước nó đâu có bây giờ nó có, đó là mới sanh, trải qua thời gian rồi nó cũng mất nên vô thường không phải tôi. Những tư tưởng suy nghĩ cũng vậy, cũng vô thường không phải là tôi, cho nên nó không can hệ gì tới tôi.

 

Thực tập tới đây ông liền mỉm cười. Mỉm cười tức là đã biết cái tôi chân thật chưa hề sanh cũng không bao giờ diệt. Mỉm cười rồi bỗng nhiên ông khóc, nước mắt chảy đầy hai má ông.

 

Tôn giả A Nan thấy vậy, mới hỏi: “Ông Cấp Cô Độc, sao ông lại khóc? Ông có nuối tiếc cái gì không? Hay là ông quán chiếu không thành công?”. Ông thưa: “Thưa Thượng tọa! Tôi không có nuối tiếc gì, nhờ đã nhiều lần được nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp, nên hôm nay tôi quán chiếu rất thành công”. Tức là đã huân tập nhiều, có chuẩn bị cho nên bây giờ quán chiếu dễ dàng, không có khó khăn gì hết.

 

“Nhưng tôi cảm động quá, vì suốt ba mươi lăm năm được phụng sự Đức Thế Tôn, và gần gũi các vị Thượng tọa mà chưa bao giờ tôi nếm mùi vị giáo lý thậm thâm vi diệu như hôm nay”. Ông xúc cảm khóc là vậy đó, chứ không buồn tiếc cái gì.

 

Tôn giả A Nan bảo: “Ông Cấp Cô Độc, pháp môn quán mười tám giới phân biệt và quán Bát Nhã này, các vị khất sĩ và nữ khất sĩ cũng thường được nghe Đức Thế Tôn giảng dạy luôn”. Ông thưa: “Thưa Thượng tọa! Xin Thượng tọa bạch với Phật cho phép giới cư sĩ cũng được nghe để hiểu và thực hành giáo lý thâm diệu này”.

 

Ông từ trần ngay buổi chiều hôm đó, một cái chết cũng rất là sáng ngời. Tức là ông chết trong niềm tin sâu với Phật pháp, chết trong an lành không có sợ hãi. Nhờ quán kỹ và có chuẩn bị kỹ. Quán kỹ thân xác này không phải mình, những cảm thọ này không phải mình, cho đến những tư tưởng này cũng không phải mình. Rồi mắt, tai, mũi, lưỡi này cũng không phải mình, không có gì là mình thì buông bỏ nó đâu có gì phải tiếc. Vì chúng ta thấy nó là mình cho nên khi bỏ liền thấy tiếc, tiếc cho nên khổ rồi bỏ thì không đành, mà đi thì không được, lúc sắp chết dây dưa nên khó chết. Nhờ quán kỹ như vậy nên bỏ nhẹ nhàng, đi cũng nhẹ nhàng. Đó là có chuẩn bị, gọi là chết trong đạo lý.

 

Đó là những ý nghĩa chân thật để nhắc cho tất cả luôn ghi nhớ. Như lời Tôn giả Xá Lợi Phất đã nhắc nhở, tức là sinh không làm cho tôi có, tử không làm cho tôi mất. Tôi mỉm cười biết rằng cái tôi chân thật chưa hề sinh cũng không bao giờ diệt. Những cái này không phải là tôi, cho nên tôi sẵn sàng buông nó nhẹ nhàng. Còn thấy nó là tôi, chấp nó là tôi, cứ bám hoài không dám buông nên khó chết. Đó là chưa nói đến việc nhớ tiếc của cải, sự nghiệp thì càng lưu luyến buông không nổi rồi cũng khó chết.

 

Cần quán kỹ như vậy để chuẩn bị cho bản thân có đường đi, có pháp để sống, để đi. Cho nên phải thường xuyên thực tập, thực tập đều đặn để mình chuẩn bị cho mình, đây là bài thực tập suốt đời cho mình, chứ không phải chỉ nghe đây xong rồi thôi.

 

Để kết thúc, xin nhắc mỗi vị khi nghe, hiểu là phải chuẩn bị cho mình rõ ràng, gọi là thực tập để tạo cho mình một vốn liếng, một cái phao, đừng để khát nước mới lo đào giếng thì không kịp. Vậy thì hôm nay bài tập này là bài tập thực tế nhất, gần gũi nhất, ai cũng phải đi qua con đường này, cho nên phải thực tập để sống có ý nghĩa. Tức là phải thuộc lòng giống như thuộc làu làu, thầy giáo mà có kiểm tra nhắc bất cứ một đoạn nào đó, bắt đọc là mình đọc tiếp liền. Còn ngập ngừng là chưa thuộc làu.

 

Chúc tất cả chuẩn bị cho tốt để sống thật có ý nghĩa, và chết không hối hận; cũng như chết với đầy đủ niềm tin trọn vẹn nơi pháp, và luôn nhớ kỹ mình chết là để sống.